GIỚI THIỆU
Một nghiên cứu trên Nature Scientific Reports năm 2017 đã cung cấp thêm bằng chứng về mức độ ảnh hưởng đến môi trường của các chế độ ăn. Cụ thể, chế độ dinh dưỡng của 153 người (51 ăn tạp, 51 ăn chay, 51 ăn thuần chay) đã được theo dõi trong 7 ngày, dựa vào đó các tác giả đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường của những thực phẩm được nạp vào. Mặc dù trước đây đã có sự nhất quán về tác động đến môi trường của thực phẩm, đóng góp chính của nghiên cứu này là việc lấy số liệu qua theo dõi từng người trên thực tế thay vì dựa vào giả định về lượng dinh dưỡng được nạp vào.
Ảnh hưởng tới môi trường
Kết quả thống kê cho thấy những thực phẩm của chế độ ăn tạp tạo ra nhiều carbon hơn (1.6 lần) cũng như cần nhiều nước và đất hơn (1.3 lần và 1.5 lần) so với chế độ ăn chay và ăn thuần chay, trong khi không có khác biệt đáng kể về mức độ ảnh hưởng đến môi trường giữa ăn chay (có ăn thêm sữa và trứng) và ăn thuần chay (chỉ ăn thực vật). Cụ thể hơn, mỗi ngày, quá trình sản xuất những thực phẩm của một người ăn tạp sẽ thải ra 4000 gram CO2, cần 3100 lít nước và 26 mét vuông đất, trong đó 59% lượng CO2, 64% lượng nước và 61% diện tích đất đến từ thịt, cá và các thực phẩm khác từ động vật. Con số tương tự cho chế độ ăn chay (gồm cả sữa và trứng) lần lượt là 2600 gram CO2, 2300 lít nước, và 16 mét vuông đất (chế độ ăn thuần chay có khác biệt không đáng kể).
Hình 1. Ảnh hưởng lên môi trường
Để giải thích cho khác biệt không đáng kể giữa ăn chay và ăn thuần chay, các tác giả đưa ra hai nguyên nhân: một số người ăn thuần chay chọn những thực phẩm đã được chế biến, nhiều chất béo như bánh mì kẹp thịt chay hoặc sữa chua đậu nành (công đoạn chế biến những thực phẩm này gây thêm tác động tới môi trường). Thứ hai, những thực phẩm từ thực vật có mật độ năng lượng thấp nên người ta phải ăn chúng nhiều hơn để có được mức năng lượng cần thiết.
Lượng dinh dưỡng
Các tác giả cũng đo lượng cacbon hydrat, đạm và chất béo được những người tham gia thí nghiệm nạp vào trong 1 tuần. Kết quả cho thấy người ăn tạp nạp vào ít cacbon hydrat (284g/ngày) cũng như nhiều đạm và chất béo nhất (92g và 108g một ngày), trong khi người ăn thuần chay nạp vào nhiều cacbon hydrat (337g/ngày) cũng như ít đạm và chất béo nhất (70g và 82g một ngày). Mặc dù lượng đạm và cacbon hydrat của cả ba nhóm đều nằm trong mức được khuyến cáo, lượng chất béo của người ăn tạp và ăn chay (với trứng sữa) cao hơn mức này một chút.
Bảng 3. Năng lượng và dinh dưỡng tiêu thụ hàng ngày theo ba nhóm chế độ ăn
Lưu ý
Ngoài các kết quả chính, bài báo cũng chỉ ra mối liên quan giữa chế độ ăn vùng Địa trung hải (Mediterranean) và sự giảm thiểu tác động lên môi trường, cũng như tầm quan trọng của việc đánh giá dựa trên chế độ ăn cụ thể của từng người (có hai người trong nhóm ăn thuần chay có chỉ số ảnh hưởng tới môi trường rất cao; nhóm nghiên cứu nhận thấy hai người này chỉ ăn mỗi hoa quả). Có một số người trong nhóm ăn chay và thuần chay có chỉ số ảnh hưởng tới môi trường cao hơn một số người ăn tạp, chủ yếu do họ ăn nhiều đạm và chất béo.
KẾT LUẬN
Bài báo kết luận rằng một giải pháp thân thiện hơn với môi trường là thay thế một phần thực phẩm từ động vật bằng rau củ quả, hạt, hạt đậu, và ngũ cốc, trong khi không quên cảnh báo rằng mức độ tác động tới môi trường còn phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn cụ thể của từng người chứ không chỉ vào nhóm dinh dưỡng chung chung (ăn tạp, ăn chay, ăn thuần chay).
Bảng 4. Giá trị tác động lên hệ sinh thái, nước và khí các-bon hàng ngày của từng nhóm đồ ăn theo mỗi nhóm chế độ ăn
Nguồn tham khảo:
Comments