top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảChang Chay

(Phần III) Chữa lành cơ thể qua Dinh dưỡng hiện đại và cổ truyền Á Châu

Đã cập nhật: 29 thg 10, 2021


Phần III: Sáu mục phân chia Âm và Dương

Nói đến Âm-Dương thì rất rộng, vì vậy hàng thế kỷ qua y học cổ truyền Trung Hoa đã nghiên cứu và sử dụng hệ thống sáu mục này để chuẩn đoán sát hơn các tình trạng cơ thể. Bất kì sự mất cân bằng nào trong cơ thể hiếm khi được xác định chỉ là âm hay dương. Hệ thống phân chia theo sáu mục được phát triển giúp bóc tách và định rõ đặc tính không ngừng thay đổi này của âm-dương, vì khi cơ thể ở trạng thái mất cân bằng, các biểu hiện còn trái ngược với tình trạng thực tế. Sáu mục này (Bảng 1) được dùng để mô tả triệu chứng theo tính âm và tính dương, được gọi là “Sáu mục phân chia Âm-Dương”


Bảng 1: Tám nguyên lý

Âm (yin)

Dương (yang)

Lạnh

Nóng

Bên trong

Bên ngoài

Suy

Bảng này được dùng để nắm bắt tình trạng dương hoặc âm trong cơ thể, dựa trên các biểu hiện dư/suy, bên ngoài/bên trong, và nóng/lạnh ra sao. Trong khái niệm Y học cổ truyền, để xác định nhiệt cần phải biết trong cơ thể thế nào (thấy nóng, khô, muốn uống đồ lạnh, v.v..).  Bất kể tình trạng bệnh được chuẩn đoán đúng trong y học hiện đại, sáu mục này vẫn rất hữu ích vì còn bóc tách được mọi tình trạng cơ thể và các khía cạnh khác qua xác định mức độ nặng (bên trong hay bên ngoài), bản chất nhiệt (nóng hay lạnh), và sức (suy (thiếu) hay dư (thừa)). Khi nắm được từng mức độ khác nhau rồi, mới có thể đưa ra những gợi ý phù hợp về sinh hoạt và chế độ ăn cơ bản với từng cá nhân.

Hiểu về Nóng/Lạnh - bản chất nhiệt của con người và thực phẩm

Hai giá trị quan trọng nhất làm thước đo thực phẩm, ở Y học cổ truyền Trung Hoa, là nóng và lạnh. Nóng - lạnh là hai tính chất cơ bản trong môi trường, ở cả người và vật. Ví dụ, vật vô tri vô giác như hòn đá khi gặp lạnh thì thành lạnh; nhưng tiếp xúc với nhiệt, nó lại thành nóng. Động và thực vật, thì ngược lại, trong môi trường nóng phản ứng với nhiệt qua cách đổ mồ hôi để làm mát; khi thời tiết lạnh, thức ăn và chất lỏng ấm giúp truyền nhiệt tới tứ chi và bên trong. Trải qua quá trình tiến hoá, bộ điều nhiệt đồng thuận giữa sinh vật và môi trường đã được hình thành, như tạo ra quần áo, nơi ở, thức ăn của con người. Các kiến thức phổ cập về yếu tố làm ấm và làm mát tác động lên con người đều đã được tìm hiểu tại phương Tây, nhưng lại bỏ qua thực phẩm.

Bản tính làm ấm hay làm mát của thực phẩm cũng còn phụ thuộc vào nhiều giá trị khác, thay đổi theo thời gian, theo từng bộ phận của động thực vật đó, hay theo cả phương pháp nấu, nơi và cách thực phẩm đó được nuôi trồng, thu hoạch. Nhiều loại thực vật dường như còn có bộ gene thông minh, biết thể hiện các đặc tính đối lập khi cần thiết, ví dụ nhân sâm Xibia - có công dụng làm giảm huyết áp cao nhưng lại giúp tăng huyết áp với trường hợp thấp; hoa lôbêli - có thể loại bỏ thai chết lưu nhưng lại giúp giữ thai khoẻ; bồ công anh - giúp tăng đường huyết với người bị hạ và giảm với người bị cao. Muối, là ví dụ cho ảnh hưởng làm mát/làm ấm của thực phẩm thay đổi theo thời gian, muối mang bản tính làm mát nhưng trong môi trường có nhiệt độ thấp và gió lớn, lại là chất quan trọng.

Sinh lý học của thực phẩm có tính làm mát và làm ấm

Khi ăn thực phẩm mang tính mát, năng lượng và dịch cơ thể được chuyển hướng vào trong và đi xuống - làm mát phần ngoài và phần trên cơ thể trước; như cái cây vào thời tiết lạnh dần trong năm, nhựa chảy sâu hướng gần về phía rễ. Ngược lại, thực phẩm mang tính ấm đẩy năng lượng và máu lên trên, theo hướng bề mặt cơ thể.

Cần nắm và hiểu được tầm quan trọng sinh lý học của thực phẩm để có lựa chọn phù hợp, ví dụ như với thực phẩm có tính cực nóng, như ớt: khi ăn sẽ cảm thấy ấm nóng ngay, nhưng chỉ tạm thời và sẽ nguội nhanh chóng khi nhiệt tỏa ra khỏi cơ thể. Như vậy ăn ớt để làm nóng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, không thích hợp với người bị nhiễm lạnh sâu hay mãn tính; tương tự với rượu. Các thực phẩm mang tính ấm - không quá Cực, giúp cung cấp nhiệt, giữ ấm lâu hơn như gừng khô, yến mạch, củ cải, bơ động vật hay cá cơm. (sẽ được nói kỹ hơn ở những phần sau, đặc biệt trong chuyên mục Ngũ hành, hay cách dùng thực phẩm và gia vị với các chức năng khác nhau giúp cơ thể thích ứng với các mùa trong năm)

Có nhiều cách xác định giá trị làm ấm/làm mát của thực phẩm, trong đó một vài lý thuyết được công nhận rộng rãi hơn được liệt kê dưới đây:

  1. Thực vật cần nhiều thời gian trồng, mang tính làm ấm hơn những loại nhanh thu hoạch, ví dụ cà rốt, củ cải vàng (parsnip), bắp cải, hay như nhân sâm cần tối thiểu tới 6 năm; so với thực phẩm có tính làm mát là xà-lách, bí ngòi, củ cải, dưa leo.

  2. Thực phẩm dùng hoá chất để tăng trưởng nhanh, mang tính mát hơn so với được chăm tự nhiên, như các loại rau củ trồng để bán.

  3. Thực phẩm ăn sống có tính mát hơn thực phẩm chín.

  4. Thực phẩm được ăn ở nhiệt độ lạnh có tính mát hơn.

  5. Thực phẩm màu tím, xanh lá, xanh dương thường có tính mát hơn thực phẩm có màu đỏ, cam, và vàng (vd: táo xanh mát hơn táo đỏ)

  6. Phương pháp chế biến với (a) thời gian nấu, (b) nhiệt độ, (c) áp suất, (e) độ khô, (f) có lưu thông khí (như lò đối lưu) có ảnh hưởng tăng giá trị làm ấm cho thực phẩm. Tuỳ vào mức nhiệt và áp suất sử dụng, các phương pháp nấu sau được sắp xếp theo thứ tự từ nhiều ấm đến ít ấm: rán ngập dầu, nướng, xào, nấu bằng áp suất, ninh, hấp, nấu không nước ở nhiệt độ dưới 100C (212F) - đây gọi là phương pháp nấu không dùng nhiệt như lên men, tẩm ướp hay nảy mầm (mang tính làm mát).

  7. Năng lượng của thực phẩm có lượng và chất thế nào còn phụ thuộc một phần vào nhiên liệu sử dụng khi nấu. Năng lượng tốt nhất xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là rơm, gỗ, than, ga, và cuối cùng là điện. Với những người có sức khoẻ quá yếu, không nên sử dụng điện khi nấu ăn.

  8. Các khâu chuẩn bị như thái nhỏ, giã, xay, ép hay đảo, đều giúp tách và giải phóng thêm năng lượng và nhiệt vào cơ thể khi ăn.

  9. Nhai kĩ tạo thêm nhiệt, kể cả với thực phẩm có tính mát. Nhai không chỉ giúp nghiền thức ăn, hoạt động của nước bọt còn là bước khởi động đầu tiên giải phóng các enzym tiêu hóa, tạo điều kiện làm ấm và tiêu hoá thức ăn tốt hơn khi di chuyển vào dạ dày, ruột non, ruột già. Với carb phức tạp như các loại ngũ cốc, đậu đỗ, và rau củ, cần được nhai thật kĩ để làm ấm và tăng cường tối đa tiêu hoá.

  10. Thực phẩm tự nhiên từ động thực vật cung cấp giá trị làm ấm và mát đều có ở mọi nơi.


Trong tất cả các tác động lên thực phẩm, phương pháp nấu là quan trọng nhất. Vì vậy để tăng tính ấm, cần lựa chọn phương pháp thích hợp. Nhiệt tách kết cấu giúp các chất dinh dưỡng sẵn có hơn trong thực phẩm, khi được chế biến vừa phải, ít dinh dưỡng bị mất hơn, những dưỡng chất còn giữ lại đều là loại dễ tiêu hoá. Tại Á Đông, trong thực hành để đạt tĩnh tâm, thực phẩm sống thường được coi là quá kích thích, vì vậy phương pháp chế biến ở mức vừa phải được sử dụng nhiều hơn.

Khi mới biết về thực dưỡng, hay chưa nhận thức rõ ảnh hưởng của các loại thực phẩm làm ấm/lạnh, qua cách chuẩn bị, phương pháp nấu, không nên áp dụng tuỳ tiện để điều chỉnh mất cân bằng nhỏ trong cơ thể, vì sử dụng lượng lớn thực phẩm làm ấm hay làm mát đều có thể mang ảnh hưởng ngược mong muốn. Do đó, điều quan trọng là phải xác định được cấu trúc và lý do của cơ thể để phòng và điều trị mất cân bằng nhiệt.


Các kiểu Nóng và Lý do

Dư nhiệt. trong cơ thể là do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm mang tính ấm kèm không đủ thực phẩm mang tính làm mát, hay do tập luyện hoặc làm việc quá sức, tiếp xúc với nhiệt hoặc thời tiết khắc nghiệt (kể cả trong thời tiết lạnh cũng có thể làm dư nhiệt), có tắc nghẽn bên trong cơ quan nội tạng. Dư nhiệt có thể ở một phần hoặc cả cơ thể, biểu hiện với cảm thấy nóng và kèm theo một số các triệu chứng khác (không cần phải có tất cả các triệu chứng, tuy nhiên để chẩn đoán tổng quát mức nhiệt của một người cần dựa trên mức độ ít hay nhiều các triệu chứng xuất hiện).

Trong sinh lý học Trung Hoa, nhiệt được xem là có ảnh hưởng tới tim, trí não và cả các mạch máu. Các triệu chứng dư nhiệt gồm:

  • Đặc điểm: nhiệt cơ thể tăng, dịch cơ thể khô

  • Triệu chứng: người thấy nóng, sợ hoặc không thích nhiệt, thích nơi/thứ lạnh

  • Đầu (khi tăng nhiệt): lưỡi đỏ tươi, bề mặt lưỡi phủ lớp vàng, mặt đỏ, mắt đỏ, chảy máu cam, bị loét, hơi thở nặng mùi

  • Tâm trí và các mô cơ thể: áp huyết cao, xuất huyết, nói không rõ ràng mạch lạc, co giật, mê sảng, động mạch xuyên tâm mạnh và nhanh (sáu nhịp hoặc hơn mỗi nhịp thở), cả cơ thể bị quá nóng ( sốt). Những dấu hiệu sau cũng được coi là trong tình trạng dư nhiệt, có kèm cảm giác nóng, mặt đỏ hồng: viêm nhiễm cục bộ, sưng tấy, phát ban, đau, hoặc dị ứng.

  • Tiêu hoá và đào thải: bị nóng và khô dịch gây táo bón, phân khô và nặng mùi, nước tiểu có màu hồng hoặc vàng đậm, có máu trong nước tiểu hoặc phân, thích ăn đồ mát và nhiều nước, khi bài tiết (nước tiểu, phân hay dịch nhầy) cần dùng sức và gấp gáp. Chất nhầy và đờm trong cơ thể dày, có màu xanh hoặc vàng.

Gợi ý với tình trạng nóng mãn tính

Lắng nghe, trau dồi thái độ bớt hung hăng. Khi làm được điều này, tự nhiên sẽ thấy dễ ăn ít thịt đi hay những thực phẩm có tính hung hãn khác. Ở tình trạng nóng mãn tính, quan trọng là ăn ít, giữ lượng chất lỏng dồi dào, đặc biệt tránh các loại thịt đỏ, thịt gà, đồ có cồn, cà phê, thuốc lá; nếu phải dùng thực phẩm từ động vật, chỉ nên chọn sữa dê.  Tiêu thụ thận trọng những thực phẩm khác từ động vật mang năng lượng trung hoà (th) hay làm mát (m) như: sữa chua (m), sữa bò (th), trứng (th), sò (m), cua (m), do có thể làm tắc nghẽn và trầm trọng hơn tình trạng nhiệt của cơ thể. Sử dụng hạt với lượng nhỏ, lựa chọn hạnh nhân, vừng/mè, hoặc hạt hướng dương có vỏ, dù không mang tính mát, nhưng giúp cung cấp dưỡng chất thiết yếu, như can-xi, cho hệ thống huyết mạch.

Đối với phương pháp nấu, nên tránh dùng áp suất, lò nướng, hay rán ngập dầu, thay thế bằng hấp, hầm, hoặc sử dụng thực phẩm sống hay các thực phẩm có tính làm mát, giảm thực phẩm có tính sinh nhiệt (làm nóng).

"Khi nhiệt có chút cải thiện, mà ăn thịt thì tình trạng sẽ tái phát. Nếu ăn quá nhiều còn mang thêm tác dụng phụ sau đó" - theo Y học cổ truyền Trung Hoa

Suy và nhiệt. Ngày nay ít người gặp triệu chứng dư nhiệt hơn trước, hầu hết triệu chứng nhiệt phổ biến nhất là “suy - nhiệt” tức “thiếu âm” do không phải thừa nhiệt mà thiếu các chất lỏng và cấu trúc âm trong cơ thể để cân bằng nhiệt. Một người trong tình trạng này kể cả khi năng lượng và nhiệt cơ thể ở dưới mức bình thường, bởi vì dịch âm trong cơ thể quá thấp làm phần dương thành cao. Một số trường hợp khác, dù là người có cơ địa ẩm, nhiều dịch nhưng vẫn thấy dấu hiệu thiếu âm, vì ăn nhiều thực phẩm quá giàu dinh dưỡng và nhân tạo. Trường hợp này xảy ra do phần âm trong cơ thể có chất lượng kém và hoạt động yếu, như dịch và máu thiếu can-xi hay các dưỡng chất làm mát khác, hay các tế bào thiếu chất béo không bão hoà đa (như omega 3) giúp làm sạch động mạch và ngăn ngừa viêm nhiễm.

Các bệnh liên quan khi thiếu âm gồm: hạ đường huyết, tiểu đường, lao phổi, căng thẳng lo lắng, mệt mỏi do viêm nhiễm trường kì, nhiễm khuẩn, vi-rút, nấm, kí sinh trùng, và các vi khuẩn gây bệnh khác. Triệu chứng phổ biến gồm:

  • Đặc điểm: có dấu hiệu hơi nóng

  • Dịch: khô mồm, khô lưỡi, ho khô và thở thấy khô miệng nên thường uống lượng nước nhỏ trong ngày

  • Cơ thể: gầy, nếu nặng có thể trông hốc hác

  • Đầu óc: mất ngủ, cáu kỉnh, lo lắng, suy nghĩ thái quá

  • Màu sắc: lưỡi và má hồng tươi hoặc đỏ tươi, đặc biệt vào trưa chiều

  • Nhiệt: sốt nhẹ không liên tục, bàn tay và chân có thể nóng và toát mồ hôi, hay toát mồ hôi đêm

  • Mạch: nhanh và nhẹ

Thiếu âm là triệu chứng phổ biến của nhiều người thời nay - hay cáu kỉnh, lo lắng, bề ngoài nhiều năng lượng nhưng bên trong lại mệt mỏi. Những người này thường hay ăn vặt, uống nước có ga hay các loại đồ uống khác trong ngày, các mối quan hệ thường có khó chịu và/hoặc đụng độ. Vậy điều gì làm tình trạng thiếu âm phát triển? Do nhiều yếu tố dương chiếm lĩnh như: căng thẳng, nhiều tiếng ồn, cạnh tranh, ăn nhiều đồ mang tính ấm và thiếu dưỡng chất như thực phẩm có cồn, cà phê, thuốc lá, và các loại thuốc tổng hợp khác.. làm lượng âm của cơ thể giảm nhanh chóng. Dùng chút ớt và tỏi tươi có thể làm ấm cơ thể, nhưng khi lạm dụng, làm hao mòn lượng âm. Thể chất và khả năng cung cấp đủ dịch âm của cơ thể (đặc biệt là thận) suy giảm nghiêm trọng còn gây ảnh hưởng tới cả thế hệ con cái. Lượng chất Âm thiếu không chỉ xảy ra ở con người; trái đất cũng phản ánh sự thiếu hụt này với nguồn nước và thực phẩm chất lượng cao đang dần cạn kiệt. Âm mang tính nuôi dưỡng và ổn định; nó là phần nhận, cũng đại diện cho trái đất. Những hành động xây dựng nền tảng âm cho cá nhân cũng chính là hành động phục hồi trái đất.

Xây dựng nền tảng bảo tồn cho phần Âm

  • Trau dồi các phương pháp thực hành tính hài hòa giữa nguyên tắc tích cực (dương) đồng thời xây dựng các phẩm chất tiếp thu, nhân nhượng, từ bi (mang tính âm)

  • Tôn trọng động vật, tránh các chất kích thích, có cồn, hay thực phẩm tinh chế. Thịt, trứng, và các sản phẩm từ động vật tăng dịch âm và mô cơ thể nhưng khi ăn quá nhiều gây tích tụ dịch nhầy. Vì vậy các thực phẩm này thường gây tranh cãi, khi dùng làm nguồn chính để tăng lượng & chất âm của cơ thể. Đường tinh chế, các chất kích thích, có cồn thường cho sự sảng khoái tạm thời và nhanh chóng nhưng sau đó lại làm suy giảm cả âm và dương của cơ thể bởi bản chất cực đoan và mất cân bằng của nó.

  • Sử dụng thực phẩm hỗ trợ tái tạo trái đất, đặc biệt thực phẩm địa phương và chưa qua chế biến. Các thực phẩm được vận chuyển, đóng hàng và trữ lạnh từ nơi xa tốn rất nhiều năng lượng và tài nguyên (như xăng dầu).

Thực phẩm giúp bổ Âm tham khảo: hạt kê, lúa mạch, mầm lúa mì, gạo, diêm mạch, rong biển, vi tảo, đậu hũ, đậu đen, đậu thận, đậu xanh (và giá), củ dền, đậu đũa, quả hồng, nho, mâm xôi đỏ, mâm xôi đen, chuối, dưa hấu, và các loại thảo dược bổ thận âm.


Các kiểu Lạnh và lý do

Các kiểu lạnh trong cơ thể thường do thiếu vận động, ăn quá nhiều đồ mang tính mát, phơi nhiễm lâu ở môi trường lạnh, hay thiếu nhiệt (dương) do không sử dụng đủ thực phẩm làm ấm trong chế độ ăn hoặc do có cơ địa yếu từ khi sinh.

  • Lạnh là một phần của nguyên lý âm, liên quan đến nguyên tố Thuỷ (Nước) đại diện cho thận-bàng quang, xương, tóc trên đầu, cảm xúc sợ hãi, và chức năng sinh dục. Những bộ phận này có thể bị ảnh hưởng xấu khi gặp lạnh.

  • Lạnh trong cơ thể giống như băng; cứng và tĩnh. Lạnh gây co, vì thế người lạnh thường co ro và di chuyển khó khăn (co lại là phản ứng của cơ thể cố gắng giữ nhiệt). Cơn đau do lạnh có thể dữ dội và ở một nơi.

  • Các triệu chứng chính gồm: cảm giác ớn lạnh, không thích lạnh, thích nơi/đồ ấm. Người có các dấu hiệu lạnh thường hay mặc nhiều quần áo và thích ăn/uống đồ nóng. Da xanh xao. Bài tiết nhiều và trong (nước tiểu trong, phân lỏng, dịch nhầy lỏng và loãng).

  • Các kiểu Lạnh điển hình: người già - do có thân nhiệt lạnh hơn so với người trẻ; người ăn chay cũng có thân nhiệt lạnh trong giai đoạn những tháng đầu chuyển đổi chế độ ăn. Những người với tình trạng lạnh thường cần thời gian lâu hơn để làm ấm so với người bị nóng muốn giảm. Nếu một người không rõ mình là nóng hay lạnh, thì tốt nhất nên chọn chế độ ăn cân bằng theo mùa với thực phẩm mang tính ấm và tính mát.

Các biện pháp khắc phục:

  1. Khắc phục sợ hãi và bất an của bản thân; trở nên hoạt bát hơn; tránh tắm nước nóng lâu; giữ ấm phần thận (lưng dưới), chân và vùng bụng dưới.

  2. Sử dụng các phương pháp nấu, thực phẩm làm ấm, giảm thực thẩm sống và có tính mát. Không nên ăn thực phẩm có nhiệt độ quá nóng hay thấp hơn nhiệt độ phòng.

  3. Dùng thường xuyên các gia vị ấm như gừng (khô), quế, đinh hương, húng quế, hương thảo…

  4. Lựa chọn các loại ngũ cốc mang tính ấm như: yến mạch, diêm mạch, hạt hướng dương, hạt mè/vừng, hạt óc chó, hạt thông, hạt dẻ, tiểu hồi, thì là, hoa hồi, thì là Ai Cập, caraway, gạo lứt nếp và các sản phẩm từ gạo nếp như mochi. Gạo, ngô, hay kiều mạch có thể dùng vì mang tính trung hoà, nhưng nên sử dụng ít những loại ngũ cốc có tính mát.

  5. Lựa chọn các loại rau củ quả mang tính ấm như: cải xanh, bí ngô, khoai lang, cải xoăn, hành tây, tỏi tây, hành lá, tỏi, quả anh đào, vỏ các loại quả có múi, quả chà là.

  6. Thực phẩm mang tính làm ấm nhất là ớt, loại nóng nhất là ớt cayenne (chỉ thiên), tất cả các loại tiêu nóng (vd: tiêu đen) chỉ nên rắc lượng nhỏ, nếu dùng nhiều sẽ mang tính đảo ngược, làm lạnh. Tương tự với các chất làm ngọt (không phải loại tinh chế) mang tính ấm như mạch nha, sirô gạo lứt, hay rỉ mật cũng chỉ nên sử dụng với lượng vừa phải (1 muỗng cà phê) nếu không có thể làm cơ thể lạnh và yếu hơn.

  7. Áp dụng những thực phẩm và biện pháp trên là đủ, còn với những người cực yếu hoặc cực lạnh thì có thể dùng một lượng vừa phải các sản phẩm từ động vật như bơ (có tính ấm); sữa hay phô mai có tính trung hoà, hoặc các sản phẩm khác mang tính làm ấm khác.


Hiểu về bên trong/bên ngoài: cách tăng cường hệ miễn dịch

Bên trong - bên ngoài dùng để xác định độ nặng nhẹ của bệnh.

Tình trạng bên ngoài (ngoại), được gọi là dương, diễn ra trên bề mặt cơ thể, tại các mô bên ngoài như: da, tóc, cơ, bắp, các bộ phận thoát hơi (gồm miệng, mũi, tai ngoài, hậu môn), hay khớp - cũng được coi là phần ngoài nhất của xương. Xác định bệnh đang xảy ra tại các mô bên ngoài này, giúp nhận biết cách điều trị hiệu quả nhất để loại bỏ mầm bệnh qua phương pháp đổ mồ hôi. Ngoại bệnh thường có sự khởi phát đột ngột do ảnh hưởng môi trường bên ngoài gây ra như gió, lạnh, nóng, và ẩm; Gió khi kết hợp với nóng/lạnh gây ảnh hưởng lên da, màng nhày đường mũi họng, phổi, và hệ miễn dịch, khi đó vi-rút, vi khuẩn, và các mầm bệnh khác dễ dàng xâm nhập vào cơ thể gây nên các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, hay đau nhức cơ khớp. Nếu tình trạng ngoại bệnh không được thanh lọc và điều trị bằng cách đổ mồ hôi hay các phương pháp khác, thì ngoại bệnh sẽ di chuyển sâu dần vào bên trong(nội) theo từng giai đoạn, thành nội bệnh và mãn tính. Khi bệnh đã đi sâu vào bên trong, được gọi là âm. Một người với lượng “khí bảo vệ” quá yếu (khí bảo vệ trong y học cổ truyền Trung Hoa được coi như là khả năng miễn dịch), khi gặp các tác nhân bên ngoài, như mầm bệnh từ môi trường, chúng sẽ dễ dàng đi sâu hơn vào trong cơ thể do tầng phòng thủ đã yếu. Cần chú ý rằng, với những bệnh chỉ đang ở bên ngoài mà dùng các phương pháp trị liệu cho bệnh bên trong thì sẽ làm bệnh đó nặng hơn. Ngược lại, phương pháp làm toát mồ hôi cũng nguy hiểm cho những người với nội bệnh và đang rất yếu. Vì vậy, cần phải xác định rõ tình trạng bệnh đang ở bề mặt hay đã đi sâu vào bên trong. Dưới đây là một số tham khảo giúp xác định tình trạng bệnh

Các dấu hiệu tình trạng bệnh mới đang bên ngoài

  • Mới xảy ra gần đây; trong thời gian ngắn

  • Vừa sốt vừa ớn lạnh

  • Đầu nặng, chảy nước mũi, lưỡi phủ lớp mỏng

  • Đau nhức, cổ cứng, gần đây đau đầu

  • Không chịu được gió hoặc lạnh

Gợi ý điều trị những tình trạng ngoại bệnh

  • Ăn ít đi, sử dụng chế độ ăn đơn giản và nhiều nước như súp rau củ hay ngũ cốc khi có dấu hiệu bị lạnh nhiều hơn là bị nóng/sốt. Còn nếu bị nóng/sốt nhiều hơn lạnh, thì tốt hơn nên dùng hoa quả tươi và nước ép rau củ quả.

  • Dùng phương pháp trị liệu qua cách đổ mồ hôi. Nhưng nên nhớ rằng, phương pháp này không phù hợp với những người quá yếu, thiếu dịch âm (với các biểu hiện cơ thể khô, mạch nhanh và yếu, lưỡi và má đỏ tươi, toát mồ hôi về đêm).

Với tình trạng nội bệnh thường dễ xác định hơn, đó là tất cả tình trạng không phải bên ngoài, mà là bên trong cơ thể bao gồm: xương, nội tạng, các dây thần kinh và mạch máu sâu. Các dấu hiệu tình trạng bệnh đã đi sâu bên trong: đau bên trong cơ thể, nôn mửa, yếu, đau đầu mãn tính, sốt mà không bị lạnh, hay ớn lạnh mà không bị nóng (ngược lại với tình trạng vừa sốt vừa lạnh cùng lúc khi ngoại bệnh). Các ví dụ nội bệnh điển hình là các bệnh mãn tính về đường tiêu hoá, rối loạn tâm thần, cao huyết áp, có u, loãng xương, tiểu đường, và đau đầu mãn tính. Tình trạng nội bệnh thường xuất phát từ sự mất cân bằng cảm xúc, yếu từ khi sinh, chế độ ăn quá nhiều dinh dưỡng hoặc thiếu chất, hay các tình trạng ngoại bệnh chuyển thành nội bệnh.

Khi nhìn lại có thể thấy gần như ai cũng có một chút trình trạng nội bệnh, mãn tính, như đau đầu nhẹ từ khi còn trẻ, vấn đề với tiêu hoá mà chưa chữa lành, hay tinh thần lo âu - trầm cảm, thiếu kiên nhẫn, là do có một số số vấn đề mãn tính bên trong nhưng vẫn đang ở mức nhẹ, số khác thì bị nặng. Không dễ để xác định được tình trạng bệnh đã nặng như thế nào, nhưng một số hướng dẫn theo phương pháp chuẩn đoán cổ truyền, được liệt kê dưới đây có thể hữu ích (Bảng 2). Với những người đang ở tình trạng nhẹ, lời khuyên là cần phải chữa trị càng sớm càng tốt, không nên chờ và để bị nặng hơn.

Bảng 2: Thước đo độ nặng tình trạng nội bệnh - Quan sát tinh thần và biểu cảm

Nhẹ

Nặng

Tinh thần

có sinh khí

yếu, ủ rũ

Mắt *

long lanh

đục mờ

Thái độ

bình thường/phù hợp

không phù hợp

Lời nói/phản hồi

rõ ràng

chậm chạp, yếu và bất hợp tác

Hô hấp

bình thường

yếu, thở dốc hoặc không đều

*mắt được coi như ngọn đèn của cơ thể. Nếu mắt khoẻ cả cơ thể sẽ tràn đầy ánh sáng.

Nhiều tình trạng mãn tính, như các bệnh về thoái hoá, đều liên quan đến hệ miễn dịch bị suy giảm. Dưới đây sẽ nói thêm về hệ miễn dịch qua cách nhìn của cả Đông - Tây Y kèm theo một số gợi ý để tăng cường hệ miễn dịch.


Miễn dịch và khái niệm về “Khí bảo vệ”

Hệ thống châm cứu và thảo dược Trung Hoa cho rằng, nội hay ngoại vậy do điều kiện lây nhiễm hay thời tiết gây ra đều phụ thuộc vào hệ miễn dịch, tức “khí bảo vệ” của người đó. Nếu khí bảo vệ khoẻ, cơ thể sẽ tránh được các bệnh do vi-rút, ảnh hưởng của thời tiết gây ra; khi khí bảo vệ yếu hơn, cơ thể dễ nhiễm ngoại bệnh như sốt, cảm cúm và các bệnh khác; khí bảo vệ quá suy, các yếu tố bệnh đi sâu hơn vào trong và gây ảnh hưởng nặng tới chức năng nội tạng. “Khí bảo vệ” được xem như năng lượng mạnh nhất trong cơ thể. Vào ban ngày, khí này được phân bổ chủ yếu trên bề mặt cơ thể ở da và cơ, làm ấm và nuôi dưỡng các tế bào bên ngoài, lưu thông đóng mở các lỗ chân lông, tuyến mồ hôi, bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây bệnh bên ngoài như thời tiết khắc nghiệt, tấn công của các vi sinh vật. Vào ban đêm, “Khí bảo vệ” lưu thông sâu vào trong các nội tạng cơ thể. Theo khái niệm cổ truyền, khí này được tạo thành từ các dinh dưỡng thiết yếu trong thực phẩm và không khí hít thở. Khái niệm về khí bảo vệ theo cổ truyền khá tương thích với khái niệm hiện đại, khi cả hai có cùng quan điểm rằng khả năng hấp thụ dưỡng chất và sử dụng khí ô-xy là rất quan trọng cho hoạt động của hệ miễn dịch.

Để có hệ miễn dịch khoẻ mạnh, quan trọng phải ngăn ngừa sự phát triển của nấm Candida (nếu có). Bệnh nấm Candida - một loại nấm men phát triển quá mức trong cơ thể dễ gây ức chế hệ miễn dịch. Khái niệm Đông Y minh hoạ bệnh này với môi trường cơ thể “ẩm”, khi đó cơ thể có cảm giác nặng nề, tinh thần uể oải, do nhiễm nấm men hay các vi sinh vật khác, làm cơ thể nhiều chất lỏng hơn gây bệnh phù nề, nhiều dịch và đờm. Nghiên cứu gần đây cho thấy, khi mất cân bằng tiêu hoá và trao đổi chất, nấm Candida albican hay một số loại nấm men khác sinh sôi mạnh hơn trong cơ thể. Dù nấm men Candida xuất hiện một chút trong cơ thể là điều bình thường, nhưng với hệ miễn dịch kém tạo điều kiện thuận lợi cho nấm men này phát triển mạnh hơn.

Hệ tiêu hoá khoẻ mạnh sẽ có lượng Lactobacillus acidophilus dồi dào cùng các vi sinh vật cần thiết khác trong đường ruột giúp hấp thụ dưỡng chất. Còn loại Candida thì mang ảnh hưởng ngược lại trong đường tiêu hoá, gây ức chế hấp thụ dưỡng chất và các axit amin thiết yếu. Bệnh nấm men Candida làm toàn bộ cơ thể và hệ miễn dịch suy yếu. Nấm men không chỉ ở trong đường tiêu hoá, nó còn men theo các chỗ yếu/tổn thương trong niêm mạc ruột, lan theo đường hậu môn đến cơ quan sinh dục, và từ đó đi vào máu và các mô trong cơ thể. Đường di chuyển của nấm men có thể dẫn tới toàn cơ thể. Những triệu chứng cho thấy nấm men đang phát triển quá mức gồm: mệt mỏi mãn tính, tinh thần uể oải, viêm âm đạo hoặc tuyến tiền liệt mãn tính, ngứa hậu môn, đầy hơi và các vấn đề tiêu hoá khác, hơi thở có mùi, cực kì nhạy cảm với khói thuốc và hoá chất, có dịch nhày trong phân, cảm lạnh thường xuyên, thèm đồ ngọt và bánh mì lên men, nhiễm nấm tái phát như nấm da chân, có hệ miễn dịch yếu.

Các lý do nhiễm nấm men

  • Ăn thực phẩm gây tình trạng ẩm mốc và dễ nhiễm nấm như các loại thực phẩm có nhiệt độ lạnh, quá ngọt hoặc quá mặn, ôi thiu.

  • Ăn quá nhiều đồ sống làm yếu hệ tiêu hoá (hiện tượng phân lỏng hoặc chảy)

  • Ăn các đồ lên men như bánh mì, đồ uống có cồn, hoặc ăn quá nhiều một thứ

  • Bữa ăn với quá nhiều món và nguyên liệu thúc đẩy môi trường lên men thuận lợi cho nấm phát triển gây các bệnh trong đường tiêu hoá. Chuyển đổi sang kết hợp thực phẩm đơn giản, đúng cách giúp điều chỉnh tình trạng này.

  • Sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, hay kháng sinh liều cao cũng giết cả các vi khuẩn tốt trong đường ruột, tạo môi trường thuận lợi cho nấm và men phát triển kèm sau đó.

  • Tâm lý lo âu, theo sinh lý học Trung hoa, cũng làm gia tăng tình trạng ẩm mốc của cơ thể - tăng phát triển nấm men.

Cách hạn chế nấm men qua thực phẩm

  • Carb phức tạp: thực phẩm giàu carb nên dùng lượng vừa phải vì mang tính tạo dịch và axit, do dó khi dùng nhiều sẽ tạo điều kiện phát triển nấm men. Với những người không có những triệu chứng trên, tính chất tạo dịch nhẹ của ngũ cốc và các loại carb phức tạp khác mang lại nhiều lợi ích. Để carb phức tạp chuyển đổi đặc tính từ axit sang alkaline và ít dịch hơn, khi ăn cần nhai kĩ và không ăn quá no. Trái với một số nguyên tắc điều trị nấm candida, một số loại ngũ cốc được khuyên dùng vì mang nguồn lignins và các yếu tố khác giúp hạn chế sự phát triển của nấm men, ví dụ như hạt kê, yến mạch, lúa mạch, diêm mạch…Ngoài ra đậu Azuki, đậu xanh, giá đỗ, giá đậu nành được khuyến khích dùng thường xuyên. Các loại rau có tinh bột như cà rốt, củ rền cũng có thể dùng thường xuyên. Cần tránh những loại rau củ nhiều tinh bột và ngọt như khoai lang, khoai tây.

  • Đồ ngọt và quả: nên tránh dùng các chất làm ngọt đậm đặc (như đường, rỉ mật hay si-rô phong) và các loại quả vì tạo môi trường thuận lợi sinh sôi nấm trong cơ thể. Một số loại quả như các loại dâu, lựu, chanh có thể ăn, nhưng với lượng vừa phải.

  • Đạm: từ các loại đậu và ngũ cốc là đã cung cấp đủ cho cơ thể. Hầu hết các sản phẩm từ sữa bò, trứng, thịt đỏ có tính chất làm nấm/men phát triển, vì vậy không nên dùng. Nếu phải dùng thực phẩm từ động vật, thì nên lựa chọn cá và gia cầm được nuôi tự nhiên không hoá chất có thể hữu ích hơn các loại khác.

  • Đồ lên men: Một số thực phẩm lên men có thể làm gia tăng sự phát triển của nấm men trong đường ruột, do “bắt nhạy chéo" giữa những thực phẩm này và nấm men candida. Nhưng, với tương miso, xì dầu, tempeh và đậu phụ là những thực phẩm lên men có thể được sử dụng với lượng nhỏ, tuỳ vào từng người, khi được nấu, ảnh hưởng men cũng yếu đi. Sử dụng đúng cách và đúng lượng các thực phẩm này còn mang lại vi khuẩn tốt cho đường ruột, lượng khuyên dùng thường chỉ 1/2 muỗng cà phê miso hoặc xì dầu mỗi ngày. Với những người nhạy cảm, đôi khi dùng lượng lớn miso, xì dầu.. còn cảm thấy mệt và yếu hơn. Các loại rau cải muối (ít hoặc không dùng muối) cũng có thể sử dụng. Bánh mì dùng men, men nấu bia, hay các các sản phẩm dùng men khác kể cả dấm và đồ uống có cồn tốt nhất nên tránh và thay bằng bánh mì dùng bột chua (sourdough) từ ngũ cốc, bánh mì lúa mạch đen tự nhiên hay dấm chất lượng cao, hữu cơ, nấu và ủ tự nhiên, không lọc, không tiệt trùng.

  • Dầu ăn, các loại hạt: Thực phẩm nhiều dầu làm gan phải làm việc nhiều, làm yếu tuyến tuỵ và tạo “ẩm mốc” phát triển trong cơ thể, vì vậy với những người bị nhiễm nấm men không nên hoặc chỉ dùng rất rất ít hạt, quả bơ, dầu ăn hay thực phẩm giàu chất béo. Ngoại trừ với dầu ô-liu nguyên chất có thể giúp ức chế phát triển của nấm men, nhưng chỉ nên dùng 1 muỗng cà phê mỗi ngày.

  • Các thực phẩm khác như tỏi, tảo bẹ và các loại rong biển cũng khá giúp ích.

Một số gợi ý giúp tăng cường và duy trì hệ miễn dịch

  1. Hoạt động: Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên. Thiếu hoạt động thể chất, sinh hoạt tình dục quá mức, hay làm việc quá sức đều làm suy giảm hệ miễn dịch

  2. Chế độ ăn: lựa chọn thực phẩm toàn phần, chế độ ăn nhiều rau và ngũ cốc. Ăn vừa đủ (70-80% mức no), kết hợp thực phẩm đơn giản giúp tăng cường hệ miễn dịch. Không ăn khuya. Tránh các thực phẩm có cồn, tinh chế, nhiều hoá chất, các loại hạt bị hỏng, hạn chế sử dụng dầu mỡ.

  3. Môi trường: Giữ môi trường sống, làm việc thoải mái và có trật tự. Những người hệ miễn dịch yếu, quan trọng là cần kết nối với môi trường luôn có sự khuyến khích, ủng hộ. Ánh sáng, không khí trong lành và nguồn nước tinh khiết cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nếu không có điều kiện sử dụng những nguồn đó, thì dùng lọc khí, ánh sáng toàn phủ và nước được lọc cũng giúp ích. Hạn chế tiếp xúc với những nơi ẩm thấp, bảo vệ cơ thể tránh thời tiết khắc nghiệt

  4. Thực phẩm chức năng và bổ sung: vitamin tổng hợp và khoáng chất không hữu cơ chỉ phù hợp cho những người khoẻ mạnh kèm các biểu hiện “Dư (thừa)”. Nên lựa chọn các thực phẩm chức năng toàn phần để có tác dụng lâu dài và tốt hơn cho cơ thể như cỏ lúa mì, lúa mạch cô đặc, thực vật biển, chlorella, và spirulina. Các loại giá từ đỗ hay ngũ cốc là nguồn dinh dưỡng rất tốt, có thể cung cấp đủ dưỡng chất cho người đang trong chế độ ăn nhiều thực vật và ngũ cốc, cần chú ý dùng lượng và nấu chín vừa phải cho người có cơ thể lạnh, hoặc yếu.

  5. Thái độ chữa bệnh: đây là nền tảng cho hệ miễn dịch; bước đầu tiên là trau dồi lòng biết ơn và tha thứ. Tu tập như cầu nguyện, tụng kinh, thiền..cũng giúp hỗ trợ trải nghiệm thay đổi bản thân, nhưng có thể phản tác dụng nếu sử dụng để củng cố tư duy và thói quen cứng nhắc.

"những người có thái độ và hành động dũng cảm sẽ chiến thắng bệnh tật, còn người sợ hãi sẽ đổ bệnh" - theo Y học cổ truyền Trung Hoa

Hiểu về Dư và Suy

Đây là cặp đôi cuối cùng trong Sáu mục phân chia Âm-Dương, dùng để đo sức tương đối của một người. Cơ thể ở tình trạng dư là do mang quá nhiều nhiệt, dịch, hay các chất khác; ngược lại, với tình trạng suy thường do thiếu ấm, dịch hoặc các chất (các chất này thuộc mọi nơi của cơ thể)


Tại những nước phát triển đã có rất nhiều bệnh liên quan đến cơ thể bị thừa nhiệt và ẩm do ăn quá nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều dầu mỡ, tẩm ướp, nhân tạo, có cồn, ăn nhiều thịt (đặc biệt thịt đỏ), trứng, phô-mai, và các sản phẩm từ sữa khác; quá nhiều đồ chiên, nhiều muối, nhiều ngọt, các loại dầu, bột tinh chế và kém chất lượng; các thành phần hoá học, ảnh hưởng thần kinh và đồ uống có cồn. Khi không thể chịu được dư thừa, cơ thể bắt đầu trục trặc xuống cấp, mang theo các dấu hiệu suy và dư (thừa) cùng lúc. Điều này dẫn tới thoái hoá các cơ quan trong cơ thể, mang các bệnh như tiểu đường, ung thư, viêm khớp, và các bệnh thoái hoá khác. Một số người dù cũng tiêu thụ nhiều thực phẩm như trên nhưng không có biểu hiện dư (thừa) mà lại có biểu hiện suy, là do cơ địa vốn đã là suy/yếu.

Khi cơ thể ở tình trạng dư là do có sự quá tải, tắc nghẽn trong động mạch, kinh lạc châm cứu, hay ở hệ thống khác. Nhìn chung, tắc nghẽn là do chế độ ăn dư thừa cùng với lối sống nhiều căng thẳng, khi đó cơ thể dễ sinh các bệnh liên quan đến nhiệt và áp suất như huyết áp cao, táo bón do dư nhiệt làm khô dịch, bệnh thừa cân, các bệnh về tim mạch hay cả đột quỵ. Để khắc phục tình trạng dư là thải độc và thanh lọc những nguồn tạo nên tình trạng này. Ở tình trạng dư, người bệnh có thể dùng các phương pháp trị liệu mạnh hơn so với trường hợp bị suy.


Tất cả tình trạng khi bị đặt ở cực của chúng đều làm chúng đảo ngược sang cực kia, theo như khái niệm âm-dương đã nói. Qua nhiều thế hệ với tình trạng dư ngày càng nhiều, nhiều người bị thu hút với các biện pháp ăn kiêng giới thiệu vừa giúp cung cấp năng lượng nhưng vẫn thư giãn, vừa gia cố tâm trí vừa hỗ trợ bình yên. Thực sự là không có chế độ ăn kiêng duy nhất nào như vậy, để tìm và áp dụng chế độ ăn uống thích hợp cho từng cá nhân, điều quan trọng là nắm được các đặc tính của thực phẩm và cách chẩn đoán tình trạng bản thân.

Khi trong tiến trình để giảm tình trạng dư, không nên thực hiện giảm quá mức. Khi sử dụng chế độ ăn làm mát cơ thể với thực phẩm sống, thảo dược đắng, hay các phương pháp giảm nhiệt khác, cần theo dõi thường xuyên tình trạng cơ thể để tránh bị đảo ngược sang cực còn lại, như từ dư sang suy. Hàng thế kỉ qua, y học Trung Hoa đã có các chuẩn đoán về tình trạng dư vừa đơn giản mà lại rất chính xác. Các dấu hiệu dư dương gồm: lực lưỡng, tăng động, hướng ngoại và có giọng nói vừa đến quá to với nước da hơi đỏ, khi cơ thể sưng tấy, vết sưng thường cứng và đau khi ấn vào, hơi thở nặng nhọc, lưỡi phủ lớp dày, động mạch xuyên tâm đập mạnh.

"Tình trạng dư làm người ta trở nên bất cần, bỏ qua những điều đúng và tốt" - theo Y học cổ truyền Trung Hoa

Các gợi ý về ăn uống cho tình trạng Dư

  • Thanh lọc và giảm các thực phẩm nhiều nhiệt như thực phẩm có chứa cồn, tinh chế, ngọt và quá bổ; thay thế bằng thực phẩm ít béo, rau củ toàn phần như giá (đậu, hạt), quả, rau xanh đậm, rong biển, vi tảo, ngũ cốc và các loại đậu.

  • Các thực phẩm có vị đắng như cần tây, xà lách, măng tây, lúa mạch đen và hạt rền amaranth, cà rốt, củ cải, vả tây tươi.

  • Các thảo dược mang tính đắng như cúc la mã, kim ngân…(tốt nhất nên kiểm tra đặc tính thảo dược trước khi sử dụng)

  • Nếu dùng ngọt, chỉ lên sử dụng một chút xíu mật ong hoặc lá cỏ ngọt (stevia) (tối đa 1/2 muỗng cà phê/ngày)

  • Dầu cũng nên hạn chế, có thể dùng loại dầu ép tươi từ hạt lanh (tối đa 1 muỗng canh/ngày ~ 15ml)

  • Đa số thực phẩm nên dùng sống hoặc nấu sơ qua

  • Khi kèm các dấu hiệu nhiễm trùng nặng, xuất hiện nhanh như nóng, da đỏ, đau nhói, sốt cao, nổi mụn nhọt hoặc viêm tai rất đau, thì chế độ ăn phải rất nhẹ nhàng: uống nhiều nước, hay các loại nước ép rau quả, trà thảo mộc; nếu đói, có thể ăn thêm rau quả.

Suy

Các dấu hiệu về tình trạng suy - triệu chứng âm: người mệt yếu, lãnh đạm, giọng nhẹ, sắc tố da vàng, yếu và nhợt nhạt, động mạch xuyên tâm yếu; nếu nổi cục thường mềm; hơi thở nông, lưỡi phủ lớp mỏng hoặc hầu như không có; thích được ấn/đè, khi ấn có cảm thấy dễ chịu.

Các gợi ý về ăn uống và điều trị cho tình trạng Suy và cực suy


Ở tình trạng suy (yếu).

  • để đạt được cân bằng thì cần chú ý và điều trị chậm hơn so với ở tình trạng dư

  • nên sử dụng thực phẩm mang “vị ngọt đầy và có tính thanh lọc”, hầu hết rau củ và ngũ cốc mang vị này. Vị ngọt còn được tăng cường khi nhai thật kĩ rau củ và ngũ cốc. Các thực phẩm đặc biệt tốt gồm gạo lứt, yến mạch, kê, lúa mạch, các sản phẩm từ đậu nành, đậu đen, bí đỏ, và một lượng nhỏ hạt. Trừ táo đỏ, thì hầu hết các loại quả đều được coi là có vị “ngọt rỗng”, thường là quá mát hoặc quá thanh lọc không phù hợp với người ở tình trạng suy. Trong y học Trung Hoa, những thực phẩm mang tính ngọt cao như táo đỏ, khoai lang, rỉ mật, mạch nha, mật gạo giúp tăng cường sức, nhưng với những người suy nên dùng thận trọng các thực phẩm nhiều ngọt này, vì khi dùng nhiều quá bất kì vị nào cũng có thể mang tác dụng phụ, làm cơ thể yếu nhanh.

  • Cháo và nước cất ngũ cốc được sử dụng cho người quá yếu không nhai kĩ được thức ăn. Trong thời kì dưỡng bệnh, ở tình trạng suy với táo bón, một muỗng cà phê đầy hạt mè nấu với ngũ cốc giúp hỗ trợ điều trị táo bón. Với trường hợp tiêu chảy hoặc phân lỏng, thì nên dùng trà lúa mạch, nước cất gạo, kê hay kiều mạch.

Với trường hợp cực suy.

  • người bệnh có thể dùng sữa dê - có tính ngọt và kiểm soát được tính tăng đờm/dịch hơn so với các sản phẩm từ sữa khác. Nếu tiêu hoá được sữa bò thì nên chọn loại có chất lượng tốt. Chỉ với trường hợp bị cực suy, hay không tiêu hoá được các sản phẩm từ sữa, nguồn thực vật không đủ phong phú, thì có thể dùng một chút các sản phẩm bổ sung thêm dinh dưỡng như trứng, cá, gia cầm… nhưng phải thật chú ý đến liều lượng và cách nấu để cơ thể có thể dễ dàng tiêu hoá các thực phẩm này.

  • Sử dụng ít thành phần và kết hợp thực phẩm thật đơn giản; tránh ăn quá no; hạn chế đồ sống để làm chậm quá trình thanh lọc - dùng thực phẩm nấu ở mức chín kĩ vừa; và không nên dùng các thực phẩm rỗng, có cồn (tinh chế hoặc có hoá chất)

  • tình trạng cực suy thường là ở người lớn tuổi, các phương pháp điều trị và trị liệu cần được tiến hành từ từ và thận trọng hơn so với gặp tình trạng dư. Các phương pháp cần được tiến hành đều đặn

  • Để cân bằng nóng-lạnh qua chế độ ăn, người ở tình trạng cực suy cần thận trọng hơn so với người ở tình trạng suy nhẹ khi (1) lựa chọn thực phẩm (với tính hài hoà, không nóng quá hoặc lạnh quá) và (2) sử dụng phương pháp nấu

  • Không nên thay đổi hoàn toàn và đột ngột chế độ ăn, hãy áp dụng dần dần, ví dụ: vẫn lựa chọn các thực phẩm mà mình thích nhưng dùng loại chất lượng hơn với lượng ít hoặc tìm thực phẩm thay thế có thể chấp nhận được. Thực phẩm mới nên giới thiệu từng loại một từ từ vào chế độ ăn.

  • Dùng các thảo dược phù hợp, hoạt động nhẹ nhàng, tắm nắng và hít thở không khí, châm cứu cũng có thể giúp ích.

  • Các bài thực hành về nhận thức cũng sẽ hữu ích

  • Nhận thức về môi trường sống, vd: người bị yếu và lạnh không nên ở lâu trong phòng hay môi trường lạnh


KẾT HỢP SÁU MỤC PHÂN CHIA

Trong kết hợp sáu mục phân chia, trước tiên cần xác định mức độ nặng bên trong hay bên ngoài

- Nếu mới bên ngoài, sử dụng phương pháp toát mồ hôi hay các phương pháp khác đã được đề cập

- Nếu đã xác định là tình trạng bên trong, thì cần biết bản chất nhiệt (nóng hay lạnh); và sức (dư hay suy) của tình trạng đó (xem Hình 1). Một người thấy lạnh có thể là do không đủ dương (suy và lạnh) hoặc quá nhiều âm (dư và lạnh), vì vậy khái niệm dư và suy rất hữu ích và quan trọng giúp xác định trạng thái cụ thể.

  • Ở trường hợp suy và lạnh - thì dịch âm (làm mát) đủ nhưng dịch dương (làm ấm) bị thiếu, do đó thực phẩm làm ấm cần được tăng cường, và giảm nhẹ thực phẩm làm mát cẩn thận hoặc có thể không cần phải giảm; nhưng

  • Với trường hợp dư và lạnh thì lại khác - dịch dương (làm ấm) đủ nhưng dịch âm (làm mát) bị thừa, do vậy thức ăn làm mát cần được giảm và tăng đồ ấm vào chế độ ăn để giảm tình trạng bị thừa lạnh.

Hình 1: Bốn mô hình cơ bản của nhiệt và lạnh


Vậy khi chưa nắm rõ về dư và suy thì rất khó phân biệt được cấu trúc các tình trạng nhiệt và lạnh khác nhau


Ngoài ra, ta còn cần cân nhắc các ảnh hưởng của Gió, Lạnh, Nhiệt, Khô, Ẩm và Nóng mùa hè.

Những ảnh hưởng này thường hay bị hiểu sai lệch nên nhiều người thường bảo vệ thái quá cơ thể dù với thay đổi thời tiết nhỏ nhất. Nhiệt và Gió không phải quá xấu nếu cơ thể không bị tiếp xúc quá lâu hay quá nhiều. Ở mức độ vừa phải việc tiếp xúc với các loại thời tiết thực chất còn mang lại lợi ích sức khoẻ, trừ khi thời tiết đó ở thế đối xứng với người đang ở tình trạng dư. Mọi người hầu hết chưa nhận biết rằng bản chất của bệnh là do tiếp xúc quá lâu/quá nhiều với các loại thời tiết, những ảnh hưởng này xâm nhập sâu vào cơ thể và sản sinh ra các hiện tượng tương tự như chính chúng ví dụ như tình trạng gió thường đột ngột, nhanh, di chuyển và giật. Tình trạng bên trong của một người chính là cách ẩn dụ phản chiếu môi trường bên ngoài. Cần chú ý không hiểu sai lệch khi coi tình trạng trong cơ thể là do các yếu tố khí hậu tương ứng gây ra.

  • (1) tình trạng bên trong cơ thể được mô tả cùng với ảnh hưởng của thời tiết KHÔNG PHẢI phát sinh bởi thời tiết bên ngoài, mà bởi các yếu tố di truyền và lối sống, bao gồm chế độ ăn. Ví dụ tình trạng ẩm trong cơ thể là do ăn quá no nhiều thực phẩm bổ, dầu mỡ và lối sống ít vận động hơn là do tiếp xúc với thời tiết ẩm. Tuy nhiên, người đang trong tình trạng ẩm sẽ bị nặng hơn khi để cơ thể tiếp xúc quá lâu trong thôi trường ẩm thấp. Vì vậy, ta nên chú ý đến môi trường bên ngoài để tránh làm tình trạng bệnh sẵn có bên trong xấu hơn.

  • (2) khi bệnh thực sự do ảnh hưởng của khí hậu gây ra, nó thường mang biểu hiện không tương xứng. Ví dụ, các dấu hiệu tăng nhiệt như sốt và viêm ở một người có thể là do tiếp xúc với thời tiết quá giá lạnh mùa đông. Các biểu hiện này nặng nhẹ còn phụ thuộc vào cả các yếu tố khác như thời gian tiếp xúc và sức của người đó. Vì vậy, khi điều trị bệnh với sáu ảnh hưởng của thời tiết, thì ta cần dựa theo các triệu chứng xuất hiện trên cơ thể chứ không phải theo khí hậu đã gây ra.

Hầu hết cá nhân mắc bệnh nào đó - được y khoa hiện đại chuẩn đoán, đều sẽ có trải nghiệm tương đối khác nhau. Vì vậy phương pháp điều trị cần phù hợp với từng tình trạng cụ thể, ví dụ hai người có khối u ở cùng vị trí sẽ có tình trạng và thể chất khác nhau - một người có thể mang biểu hiện suy và lạnh, còn người kia là thì lại dư và nhiệt. Nghệ thuật sử dụng các phương pháp làm lành cơ thể, quan trọng là cần ghi nhớ các nguyên tắc cơ bản về nhiệt/lạnh, dư/suy, gió, ẩm, v.v.. như đã liệt kê ở trên, giúp xác định bản chất động và áp dụng các biện pháp phù hợp theo từng cơ thể.





Vui lòng theo dõi và đón đọc phần tiếp theo, phần IV: CÁCH ĂN và KẾT HỢP THỰC PHẨM ĐÚNG CÁCH để khoẻ mạnh hơn, trong thời gian tới.

 

Đây là quyển sách rất hay nói về dùng thực phẩm toàn phần chữa lành cơ thể, dựa trên nền tảng Đông Tây Y, mà mình đã đọc. Để làm hành trang kiến thức và hiểu hơn trạng thái sức khoẻ bản thân, mình xin lược dịch một số phần để mọi người cùng tham khảo.


70 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page