GIỚI THIỆU
Quá trình sản xuất thực phẩm tác động mạnh mẽ đến môi trường, đóng góp 25% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Sự đa dạng sinh học cũng bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng đất nông nghiệp và nước, cũng như sự mất mát của chất dinh dưỡng và các ngư trường. Chăn nuôi có ảnh hưởng lớn nhất đến môi trường, và ảnh hưởng này ngày càng lớn khi xu hướng ăn uống trên toàn cầu là các bữa ăn nhiều thịt và đường và chất béo tinh luyện. Bài báo được đề cập ở đây, của Tilman và Clark được đăng trên tạp chí Nature năm 2014, chỉ ra rằng sự thay đổi chế độ ăn không chỉ có thể giúp giảm lượng khí thải nhà kính và diện tích đất nông nghiệp, mà còn có thể giúp giảm các mối nguy hại cho sức khỏe
Hình 1 | Chu kì thải khí GHG (CO2-Ceq) của 22 loại thực phẩm khác nhau. Thực phẩm có nguồn gốc động vật gây ra lượng khí thải nhà kính lớn hơn nhiều lần các thực phẩm khác
Bảng a và b ( thứ tự từ trái qua phải):
> màu xanh lá: ngũ cốc, đường + dầu, quả + rau
> màu ghi: sữa + trứng
> màu tím than: cá
> màu đỏ: động vật chăn nuôi
Bảng c (thứ tự từ trái qua phải):
> màu xanh lá: ngô, lúa mì, gạo, các loại ngũ cốc khác; đường, dầu, dầu thu hoạt; quả ôn đới, quả nhiệt đới, các loại rau, các loại củ, các loại đậu
> màu ghi: bơ, trứng, sữa
> màu tím than: cá đánh bánh không đánh lưới, cá đánh bắt bằng lưới, nuôi trồng thuỷ sản tự nhiên, nuôi tròn thuỷ sản khép kín
> màu đỏ: gia cầm, thịt lợn, động vật nhai lại
Chế độ ăn và thu nhập
Song song với tăng trưởng kinh tế (dựa trên GDP), nhu cầu ăn của con người cũng tăng lên. Năm 2009, nhóm 15 nước giàu nhất có nhu cầu (trên đầu người) cao hơn 750% so với nhóm các nước nghèo nhất, cho thịt bò, cừu, hải sản, gia cầm và lợn. Tổng nhu cầu protein cũng tăng theo thu nhập, nhưng cụ thể hơn, nhu cầu cho protein động vật tăng trong khi nhu cầu cho protein thực vật giảm. Nhu cầu "calo" rỗng (từ đường và chất béo tinh luyện, rượu và dầu ăn) cũng tăng cùng thu nhập. Tương tự, khi thu nhập tăng thì nhu cầu nạp calo và theo đó sự lãng phí đồ ăn cũng tăng. Trong các nước có GDP đầu người hơn $24000 một năm, mỗi người dân tiêu thụ 500 kcal nhiều hơn mức cần thiết mỗi ngày. Các tác giả dự báo đến năm 2050, so với năm 2009, trung bình chế độ ăn của mỗi người sẽ có thêm 15% lượng calo và thêm 11% lượng đạm, cụ thể là thêm 61% calo rỗng, bớt 18% rau củ quả, bớt 2.7% protein thực vật, thêm 23% lợn và gia cầm, thêm 31% thịt bò/cừu/dê, thêm 58% bơ/trứng/sữa và thêm 82% cá và hải sản.
Hình 2 | Thu nhập và xu hướng ăn uống. Biểu thị thống kê cho thấy nhu cầu nạp thịt (theo g đạm mỗi ngày) , calo rỗng (theo kcal mỗi ngày) và calo tiêu thụ (kcal mỗi ngày) của con người tăng theo nhu nhập
Chế độ ăn và sức khoẻ
Ngoài chế độ ăn tạp phổ biến (omnivorous), ba chế độ ăn thay thế được nghiên cứu trong bài báo là: ăn chay, ăn chay hải sản (ăn chay nhưng thêm hải sản), và chế độ ăn Địa Trung Hải (nhiều rau, củ, quả, hạt và hải sản). Qua tổng hợp, bài báo chỉ ra rằng so với ăn tạp, ba chế độ ăn thay thế này làm giảm đáng kể nguy cư mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 (từ 16% đến 41%), bệnh tim mạch (20-26%), ung thư (7-13%) và tỷ lệ tử vong nói chung (0-18%). Những kết quả này đến từ việc những chế độ ăn thay thế này bao gồm nhiều rau củ quả và hạt, ít "calo rỗng" (ví dụ rượu và đường cho thêm), và ít thịt.
Hình 3 | Chế độ ăn uống và sức khoẻ. Các chế độ ăn chay, chế độ ăn chay có hải sản và chế độ ăn Địa Trung Hải giúp giảm nguy cơ tiểu đường, ung thư, tim mạch và các nguyên nhân tử vong khác
Chế độ ăn và ảnh hưởng đến môi trường
Các tác giả đã đánh giá tác động đến môi trường của thực phẩm qua hai khía cạnh: lượng khí thải nhà kính trong nông nghiệp và sự thay đổi cách sử dụng đất nông nghiệp. Thông tin về lượng khí thải được tổng hợp từ 120 bài báo chứa đựng 555 phân tích vòng đời của 82 loại thực phẩm. Phân tích vòng đời (LCA) bao gồm đánh giá lượng khí thải trực tiếp từ dây chuyền sản xuất: canh tác và chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi lớn cây trồng, mức độ sử dụng thuốc tăng trưởng, và điều hành trang trại. Để đánh giá về sự thay đổi cách sử dụng đất (có ảnh hưởng tới phá rừng và đa dạng sinh thái), các tác giả xây dựng một mô hình đơn giản, chủ yếu ngoại suy từ các xu hướng đã có.
Nhìn chung, ở cả hai khía cạnh (khí thải và sử dụng đất), thực phẩm có nguồn gốc động vật ảnh hưởng tới môi trường nhiều hơn, bởi vì vật nuôi có hiệu suất chuyển đổi thức ăn thấp (cho ăn nhiều và lấy được ít thịt), đặc biệt là động vật nhai lại (bò, dê, cừu, ...) còn thải ra nhiều khí mêtan, một loại khí nhà kính mạnh. Còn đối với hải sản, ảnh hưởng tới môi trường nhiều nhất là việc đánh bắt cá bằng lưới và nuôi trồng thủy sản tuần hoàn.
So sánh tác động đến môi trường giữa ba chế độ ăn thay thế và chế độ ăn tạp tham khảo vào năm 2050, các tác giả nhận thấy các chế độ ăn thay thế (ăn chay, ăn chay hải sản, và chế độ ăn Địa Trung Hải) có thể giúp giảm từ 30% đến 60% lượng khí thải, cũng như giảm 20-30% diện tích đất nông nghiệp cần thiết.
Hình 4 | Ảnh hưởng của chế độ ăn tới lượng khí thải GHG và đất trồng. Các chế độ ăn thay thế (chay, chay có hải sản, Đại Trung Hải) giúp giảm ảnh hưởng đáng kể tới môi trường vào năm 2050
KẾT LUẬN
Các kết quả phân tích cho thấy có những chế độ ăn (đã được áp dụng) có thể là lời giải cho bài toán dinh dưỡng-sức khỏe-môi trường, nếu chúng được nhân rộng lên. Tất nhiên để phù hợp với người dân ở các vùng khác nhau, những chế độ ăn tương tự (như ăn chay, ăn chay hải sản và Địa Trung Hải) cần được phát triển. Tuy nhiên với mỗi người, việc chọn lựa chế độ ăn còn phụ thuộc vào văn hóa, kiến thức, giá cả, sự sẵn có, sự tiện lợi và sở thích. Vậy nên việc cân nhắc và chọn lựa chế độ ăn vừa là thách thức vừa là cơ hội toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng
Nguồn tham khảo:
Global diets link environmental sustainability and human health
Comments